Khí công
Xuân trẻ và khí công dưỡng sinh
TRI THỨC TRẺ
Số 376 – 377 – 378 ngày 01 – 01 – 2012
XUÂN NHÂM THÌN 2012
Xuân trẻ và khí công dưỡng sinh
Trò chuyện với phóng viên tri thức trẻ, võ sư Nguyễn Khắc Chương (Y Võ Thiên Phúc) – người đã dùng võ công của môn võ vĩnh xuân chữa bệnh khẳng định:”Bất kể người bị mắc bệnh gì, hay người khỏe mạnh cũng nên mỗi ngày dành ít thời giờ luyện tập khí công dưỡng sinh. Khí công dưỡng sinh giúp con người xuân trẻ dài lâu hơn”.
Đến Y Võ Thiên Phúc (số 1 nghách 7 ngõ 409 đường An Dương Vương ,quận Tây Hồ, Hà Nội). Có hàng chục bạn trẻ đang luyện khí công dưỡng sinh, tọa thiền. Võ sư Nguyễn Khắc Chương cho biết: Thực tế lâm sàng cho thấy, việc tập luyện khí công để trị liệu và phòng bệnh tật rất tốt cho các bệnh, Như: Loạn nhịp tim, viêm tâm cơ, đau thắt tim, đau cuống tim, tâm cơ yếu vì mệt mỏi, công năng của tim kém…, hay các chứng say xẩm, chóng mặt. Những bệnh thuộc về vận động, như cơ bắp giãn đau, cơ bắp bị tổn thương mãn tính, các bệnh khác thuộc hệ thống thần kinh, như não, tủy, xương sống tổn thương cần phục hồi, bại liệt thần kinh não, đau nhức thần kinh mãn tính, rối loạn thần kinh thực vật. Ngoài ra còn chữa những chứng đau nhức không rõ nguyên nhân, chứng phù thũng có tính bột phát, đốt sống ở cổ bị vôi hóa, thị lực suy giảm, các bệnh ở thời kỳ chuyển tuổi và bệnh hiếm muộn .
Mong muốn đưa bài khí công dưỡng sinh phổ biến rộng rãi cho mọi người tự chữa và phòng chống bệnh, võ sư Nguyễn Khắc Chương đã cung cấp 12 thức khởi thiền – dưỡng sinh cơ bản do anh biên soạn. Như lời võ sư Chương, tập tốt 12 thức này giúp người có bệnh khỏe lên, người bình thường sẽ xuân trẻ dài lâu.
1. Thở Thổ Nạp: Người thở mượn thế tập luyện để đưa khí trời vào sâu trong cơ thể, đồng thời đẩy hết những tạp khí không có lợi cho sức khỏe ra ngoài cơ thể. Người tập ngồi khoanh chân vòng tròn. Hai tay đặt ngửa lên trên hai đầu gối, khi bắt đầu đưa tay lên thì hít vào từ từ. Khi tay lên bằng vai là hít xong và đi vào quá trình nén (tức là không hít không thở), giữ khí ở Đan điền (là huyệt ở dưới rốn ba thốn). Người tập nén khí trong suốt quá trình gập người xuống, thời gian nén tùy theo khả năng của bản thân mình, không quy định ngắn dài. Khi bắt đầu vươn người lên thì cũng là lúc người tập bắt đầu từ từ thở ra (thở ra chậm rãi, sao cho thời gian thở dài gấp đôi thời gian hít). Lặp đi lặp lại 9 lần theo 3 hướng: đằng trước, bên trái, bên phải.
2. Thở giao kinh: Phương pháp này làm lưu thông khí huyết, giúp cho kiện toàn tạng phủ lên nhiều lần. Người tập ngồi hai lòng bàn chân áp vào nhau. Hai tay đặt ngửa trên hai đầu gối. Vung tay lên rồi hạ tay từ từ xuống úp hai lòng bàn tay vào hai lòng bàn chân cũng là lúc hít vào. Ngồi nguyên tư thế nén khí tại Đan điền. Chân đẩy từ từ ra ngoài đến hết tầm cánh tay thì thở ra. Kéo chân vào trở về vị trí ban đầu ta lại hít vào, tiếp tục làm các quá trình thở, nén như Lúc trước. Làm lặp lại 9 lần.
3. Thở Khai Đan: Giúp người tập có ý thức về Đan điền, nơi hội tụ khí của toàn bộ cơ thể để cất giữ và để kích phát, đưa đến những nơi mà mình muốn. Người tập ngồi hai lòng bàn chân áp vào nhau, hai tay đặt ngửa trên hai đầu gối. Tay chạy men theo cạnh đùi trên đến hông thì xoay tay chạy men theo cạnh đùi bên dưới bằng mặt ngoài bàn tay, trong lúc tay chạy theo cạnh đùi bên dưới đồng thời nâng gối chân lên áp sát vào nhạu, hai bàn tay ôm hai cạnh gối ta hít vào, ngồi nguyên tư thế đó lưng thẳng, cổ hơi ngửa lên nén khí tại Đan điền. Sau đó xoay tay úp hai lòng bàn tay vào hai đầu gối (tay phải chân phải, tay trái chân trái ) đẩy hai đầu gối từ từ hạ xuống trở về vị trí ban đầu là lúc thở ra. Làm lặp lại 9 lần.
4. Thở kích đan: Là động tác thở kích thích vùng Đan điền có cảm giác và điều khí đi tất cả các nơi. Người tập ngồi hai lòng bàn chân áp vào nhau. Hai tay đặt chồng lên nhau đặt dưới hai bàn chân ngồi nguyên tư thế lưng thẳng. Cổ thẳng ta hít vào. Bắt đầu rung chân thì ta nén khí tại Đan điền. Kết thúc rung trả lại chân về vị trí cũ thì ta thở ra. Làm lắp lại 9 lần.
5. Thở Chẩm: Giúp khí huyết lưu thông đến các huyệt Ngọc chẩm, huyệt ở đốt sống cổ. Người tập ngồi khoanh chân vòng tròn, hai tay đặt ngửa lên hai đầu gối. Vung tay lên rồi đặt hai bàn tay lên nhau đặt vào huyệt Ngọc chẩm, trong thời gian đó hít vào. Từ từ cúi xuống gập người cho đến khi chạm trán xuống đất, hay cúi đến chừng nào có thể, là lúc ta nén khí tại Đan điền. Khi ngẩng lên ngồi thẳng lưng thì ta bắt đầu thở ra. Làm lặp lại 9 lần.
6. Thở thận: Người tập mượn hơi thở đưa khí huyết đến vùng Thận, giúp bồi bổ khí huyết, quân bình âm dương, nâng cao công năng của thận, Sử dụng nguyên lý:”Khí hành thì huyết hành”, nghĩa là ý thức ở đâu thì khí ở đó. Người tập ngồi khoanh chân vòng tròn. Hai tay đặt ngửa lên trên hai đầu gối. Khi tay người tập bắt đầu trượt trên đùi là bắt đầu hít vào từ từ cho đến khi hai bàn tay úp đặt đằng sau Mệnh môn thì dừng hít, chuyển sang quá trình nén khí. Người tập nén khí tại Đan điền trong suốt quá trình gập người cúi xuống. Khi bắt đầu ngẩng lên thì bắt đầu thở ra từ từ. Làm lặp đi lặp lại 9 lần.
7. Thở Khai Đốc: Động tác này giúp ta khai mở mạch đốc, hay còn gọi là khai đốc (mạch đốc chạy theo đường cong cột sống). Người tập ngồi khoanh chân vòng tròn. Hai tay đặt ngửa lên trên hai đầu gối. Khi tay bắt đầu vung lên thì ta hít vào cho đến khi hai tay đặt ngửa chở lại trên hai đầu gối thì ngừng hít chuyển sang nén. Nén từ lúc cúi đến lúc đầu cúi sâu chạm đất (nếu có thể). Trong quá trình đó, tay xoay úp xuống chống lên hai đầu gối sau đó xoay một vòng quay đầu gối rồi ôm xuống phía dưới đầu gối. Khi ngẩng lên thì bắt đầu thở ra đồng thời tay trở lại vị trí ban đầu. Làm lặp lại 9 lần.
8. Thở Gan: Giúp hoàn thiện các chức năng hoạt động của gan. Người tập ngồi khoanh chân vòng tròn. Hai tay đặt ngửa lên trên hai đầu gối khi tay bắt đầu vung lên rồi đặt hai lòng bàn tay úp lên nhau đặt lên ngọc chẩm thì hít vào. Xoay gập người sang trái, rồi sang phải là quá trình nén khí tại Đan điền. Khi bắt đầu hạ tay trở về vị trí ban đầu đặt lại gối thì thở ra từ từ. Làm lặp lại 9 lần.
9. Thở Kiện Tỳ: Động tác này đưa khí tập trung ở Đan điền rồi đẩy lên nách, sau đó giữ ở đó. Động tác này giúp người tập thở tỳ, giúp kiện tỳ tốt hơn. Khi tỳ tốt thì các bộ phận khác cũng được kiện tốt hơn. Người tập ngồi khoanh chân vòng tròn. Hai tay đặt ngửa lên trên hai đầu gối. Khi tay bắt đầu vung lên rồi đặt hai lòng bàn tay úp lên nhau đặt lên Ngọc chẩm thì hít vào. Xoay người sang trái, rồi sang phải là quá trình nén khí tại Đan điền rồi đẩy lên vùng nách. Khi bắt đầu hạ tay trở về vị trí ban đầu đặt lại gối thì thở ra từ từ . Làm lặp lại 9 lần.
10. Thở Đại Trùy: Thở huyệt Đại trùy (nằm ở đốt sống cổ 7) nơi hội tụ đường kinh dương của cơ thể, từ đó thở luôn đường kinh dương giúp nó hoạt động mạnh hơn, cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn. Người tập ngồi khoanh chân vòng tròn. Hai tay đặt ngửa lên hai đầu gối, khi tay bắt đầu vung lên rồi đặt hai lòng bàn tay úp lên nhau đặt lên gối trái, từ từ gập người xuống rồi làm lại tương tự như vậy phía ngược lại thì nén khí tại Đan điền đẩy lên trên đốt sống 7 – Đại trùy suốt quá trình đó. Khi trả tay lại vị trí ban đầu đặt trên hai gối thì thở ra. Làm lặp lại 9 lần.
11. Thở Dũng Tuyền: Là một huyệt chủ trốt ở lòng bàn chân, động tác giúp ta lưu thông khí huyết từ hông xuống lòng bàn chân đả thông luôn các đường kinh ở chân giúp ích rất nhiều trong việc phục hồi chức năng của chân. Nằm ngửa hai tay giang sang hai bên không cao quá vai, hai lòng bàn tay úp xuống, khi hai chân chụm sát nhau co lên áp sát vào thân thì ta hít vào. Giữ nguyên thân trên xoay chân từ giữa sang bên trái sang bên phải là nén khí tại Đan điền suốt quá trình đó. Khi dỗi chân ra hạ xuống đất là lúc thở ra. Làm lặp lại 9 lần.
12. Thở Trợ Cốt: Động tác này giúp khí huyết đến được huyệt Dũng tuyền và mệnh môn, là những huyệt phủ của thận, lúc đó sẽ kiện thận lên nhiều lần. Thận được kiện thì cốt tủy cũng được kiện, vì thận là chủ của cốt tủy. Nằm ngửa hai tay đặt sau lưng ôm vào Mệnh môn. khi hai chân chụm sát nhau co lên ép sát thân thì ta hít vào. Giữ nguyên thân trên, hai chân đạp như đạp xe đạp xuôi là quá trình nén khí tại Đan điền, duỗi chân ra hạ xuống đất là lúc thở ra. Làm như thế lần thứ hai, nhưng với chiều đạp ngược lại. Hai lần đạp xuôi và ngược được coi là một lần tập. Làm lặp lại 9 lần.
Sau khi tập luyện khí công hết 12 thức trên người tập cần thiền định để đưa cơ thể trở lại trạng thái tự nhiên.