Đông Y
SINH BỆNH VÀ LÃO
Y Võ Thiên Phúc
SINH BỆNH VÀ LÃO
Mỗi con người, từ khi cất tiếng khóc chào đời là đã bắt đầu có sự sống độc lập khác nhau. Từ đó, theo thời gian và sự ảnh hưởng của hoàn cảnh sống, môi trường xung quanh, sự ăn, ngủ, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi và tự bảo vệ khác nhau mà hình thành tính cách và tâm lý khác nhau. Có người duy trì sự phát triển mọi mặt bình thường; có người bị thoái hóa, mang bệnh từng bộ phận tổ chức cơ qthể, một số bộ phận kém hoặc ngừng hoạt động. Vì thế cùng một lứa tuổi nhưng cơ thể mỗi người lại khác nhau.
Thí dụ: Có người gầy như que củi, có người béo phát phì, có người quanh năm đau yếu, có người mắt kém đi, có người già trước tuổi, có người vẫn thấy khỏe mạnh điều hòa.
Phần lớn mọi người sinh ra đều khỏe mạnh, nhưng với năm tháng trôi qua tại sao lại dẫn đến sự khác nhau như vậy?
Đó là do điều kiện, hoàn cảnh sống khác nhau, một số người vận động trái quy luật tự nhiên làm cho sự vận hành khí huyết trong cơ thể mất bình thường. Sự mất cân bằng dẫn tới phá vỡ sự phát triển của các tổ chức tế bào, tế bào non thay thế không kịp các tế bào già và bị hủy hoại làm cơ thể suy sụp, yếu đi nhanh chóng, cuối cùng hoàn toàn thoái hóa.
Rõ ràng, sống trái với quy luật vận động của tự nhiện, cơ thể sẽ sinh bệnh tật và già cỗi đi.
Những yếu tố ảnh hưởng chủ yếu làm con người suy yếu và già đi được quy tụ thành “thất tình” và “lục dâm” .
Thất tình là bảy trạng thái ảnh hưởng của nội thương do tính tình, tâm lý đem lại. Đó là hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục.
- Giận quá hại Can khí.
- Vui mừng quá tổn Tâm khí.
- Lo nghĩ quá hại Tỳ khí.
- Buồn rầu quá hại Phế khí.
- Sợ hãi quá hại Thận khí.
- Lục dâm là sáu nguyên nhân từ bên ngoài xâm nhập làm ảnh hưởng đến vận động của cơ thể. Đó là phong, hàn, thử, thập, táo, hỏa.
- Phong (gió) tổn thương tới gân cốt.
- Hàn (lạnh) tổn thương tới huyết.
- Thử (nắng) gây cảm mạo vì trúng thử.
- Thấp (ẩm ướt) tổn thương thịt, gân mạch, xương khớp, tạng phủ.
-Táo (hanh, khô) tổn hại phế và âm dịch.
- Hỏa (nóng) tổn thương tâm dịch, làm mất cân bằng cơ thể, để lại những hậu quả vô cùng tai hại.
- Bách bệnh sinh ra trong cơ thể đều do khí. Các mặt biểu hiện tổn thương do khí:
Hỷ (vui) làm khí trì chậm.
Nộ (giận) làm khí thăng (tăng).
Âu (lo) làm khí kết chặt.
Lo (buồn) làm khí tích tụ.
Bi (sầu) làm khí tiêu tán.
Khủng (hoảng) làm cho khí hạ.
Kinh (sợ) làm cho khí loạn.
Lạnh (hàn) làm khí co lại.
Nóng (nhiệt) làm khí nở ra.
Mùa xuân, thời tiết hay gây cảm gió.
Mùa hè, hay bị cảm nắng, giữa hè hay bị ốm.
Mùa thu, hay bị sốt khan.
Mùa đông, hay bị cảm lạnh.
Về phương diện ăn uống, ăn chua nhiều tổn thương xương, ngọt tổn thương thịt, đắng tổn thương khí, mặn tổn thương tới huyết.
Trên đây là các yếu tố làm cơ thể mắc bệnh dẫn đến tổn thương bên trong và bị xâm nhập từ bên ngoài. Do đó, quá trình sinh hoạt trong cuộc sống cần phải giảm bớt, hạn chế các tổn thương đó. Về ăn uống, không nên ăn quá no hoặc quá đói, cũng không nên bồi bổ liên miên. Nếu ăn uống đều đặn, điều độ để dạ dày và ruột dễ hấp thụ, khí huyết lưu thông điều hòa, tạo điều kiện cho sự phát triển tế bào bình thường. Như vậy, năm tháng qua đi vẫn duy trì khí huyết thịnh vượng, làm cho cơ thể khỏe mạnh, mọi tổ chức cơ thể hoạt động mạnh, ổn định, không bị ốm đau hoặc già trước tuổi.
Về ngủ, tục ngữ có câu: “Đạo dẫn bản kinh” Gan khai khiếu ở mắt, chủ sơ tiết và tàng huyết. Khi ta ngủ hoặc nghỉ ngơi, huyết dịch đổ về gan để tàng chứa. Gan với mắt có quan hệ mật thiết, hễ gan có bệnh là mắt bị bệnh ảnh hưởng, gan hư thì thị lực lờ mờ, thong manh, quáng gà, gan hỏa bốc lên thì mắt đau nặng.
Khi mất ngủ, thường thấy bồn chồn gan nóng như lửa. Nếu mật (đởm) hư hàn mất ngủ sẽ kèm theo mệt mỏi tinh thần, lo nghĩ không yên, gan nống quá nhất định mất ngủ nhiều cho nên sự điều tiết quan hệ gan mật chính là giấc ngủ.
Người ngủ được tâm can thanh thản.
Hoàng đế Nội kinh nói: “Ba tháng mùa xuân trời đất phục sinh, vạn vật sinh trưởng, tối ngủ sớm, sáng dậy sớm, là thời điểm tốt nhất”. Những điều trên cho chúng ta thấy gan và mắt có liên quan mật thiết với nhau. Công năng khí huyết tốt hay xấu ảnh hưởng trực tiếp tới thị lực. Cho nên muốn bảo vệ gan tốt, cần phải ngủ nhiều và đủ. Vì lý do nào đó, không thể hoặc không ngủ được; không thể lấy ngày thay đêm, thì ban đêm phải đi ngủ sớm, dậy sớm hít thở không khí trong lành, tập luyện bảo vệ khí huyết, thực tế cũng là bảo dưỡng thị lực.