Khí công
LUYỆN KHÍ CÔNG TRẠM XUÂN CÔNG
Y Võ Thiên Phúc
LUYỆN KHÍ CÔNG TRẠM XUÂN CÔNG
Tục gọi là Trạm thung công. Trạm có nghĩa là đứng, xuân là một loại cổ thụ; theo lời của Trang thử thì ngày xưa có cây xuân lấy 8000 năm làm một mùa xuân, nên người ta hay dùng chữ xuân để chúc thọ.
Các bậc tiền bối khi luyện võ đều luyện qua công phu này, khiến cho hạ bộ được trầm vững. Căn bản là ở đây, như xây dựng nhà trước tiên phải đắp nền cho chắc. Nếu không luyện công phu này thì trọng tâm bị lệch, khi thôi thủ dễ bị nghiêng, ngả hay ngã; khi bị án, đè hay thì bị rối, lệch, dễ bị kéo làm mất trọng tâm không giữ được độ vững.
Hiện nay, công phu này được quần chúng ở Trung Quốc, Việt Nam, Hồng Kông và nhiều nước trên thế giới tham gia luyện tập nhờ ở hiệu quả trị liệu một số bệnh mãn tính như cao huyết áp, suy nhược thần kinh, loét bao tử, đau ruột thừa, viêm gan mãn, nám phổi, tê thấp, thấp khớp, cường tim v.v.. Có không ít người luyện khoảng trăm ngày đã thấy ăn nhiều, ngủ ngon, tinh thần sung túc, khí lực gia tăng.
I. Mã Bộ
1. Điều Thân:
Hai chân mở ngang ra, cự ly bằng hai vai, hai mũi bàn chân hơi xoay vào trong.
Thân trên chìm xuống, đầu gối hơi cong.
Hai tay buông xuôi tự nhiên, ngón giữa đặt lên huyệt phong thị (khi đứng thẳng người, hai tay buông xuống, nơi đầu ngón tay giữa chạm vào đùi là huyệt).
Cột sống chính trực, đầu treo lỏng, ngực ngậm, lưng cong, vai chìm, trỏ buông, cằm hỏi kéo vào, mắt nhìn thẳng, hai mi buông rèm, miệng khép, lưỡi để Đáp Kiều (đầu lưỡi hơi chạm nhẹ vào giữa vòm miệng trên hay còn gọi là huyệt Ngân Giao), háng tròn, mông hơi đưa về phía trước, làm sao các huyệt Bách Hội, Hội Âm và điểm giữa hai huyệt Dũng Tuyền thành một đường thẳng (Tam tuyến hợp nhất).
2. Điều Tức:
Dùng lối thở bụng, thở ra thì bụng thót vào, hít vào thì bụng phình ra. Không cố gắng thở quá sức, trái lại hơi thở phải tự nhiên, dịu dàng, đều đặn,chậm rãi, sâu dài, nhỏ nhẹ, không nghe tiếng.
Có thể khi hít vào, tưởng tượng khí thấm vào cột sống, đồng thời thân thể hơi trồi lên; khi thở ra thì trầm khí Đan Điền, đồng thời thân thể hơi chìm xuống. Đây là lối thở nghịch.
Cả hai lối thở đều có hiệu quả như nhau, tuy nhiên lối thở nghịch dùng sức nhiều hơn, không phải ai ai cũng có thể làm tốt được.
3. Điều Tâm:
Tâm phải thanh tịnh, không nghĩ ngợi lung tung; ý thủ Đan Điền, hai mắt nhắm nội thị trong bụng dưới rốn, nhưng không để tinh thần căng thẳng, cũng không để tản mạn lơ là mà phải ý thủ nhẹ nhàng như có như không, như mèo rình chuột, như gà ấp trứng vậy.
4. Lưu Ý:
a. Đây là công phu cơ bản mà giềng mối là “tam điểm nhất tuyến”. Lúc luyện tập phải luôn luôn chú ý điều chỉnh tư thế; nếu ba điểm đó không thẳng thì hiệu quả sẽ bị ảnh hưởng.
b. Các khớp xương toàn thân phải buông lỏng, tránh cứng đơ, thẳng đứng.
c. Hoàn cảnh chung quanh nên yên tịnh tránh ngọn gió thổi ngay mặt.
d. Thời gian luyện công không hạn chế, mỗi lần từ 15 phút trở lên, mỗi ngày mỗi tăng, nhưng không quá một giờ. Tránh tập lúc quá đói cũng như lúc quá no.
e. Nếu thấy xuất hiện những cảm giác như mệt mỏi, tê căng, nóng hoặc cảnh thanh vắng, trống không thì đó là hiện tượng bình thường.
f. Nếu bị đau đớn cục bộ hay bệnh cũ tái phát thì đó là hiện tượng “chính khí” phục hồi, đang đấu tranh với “tà khí” tiềm phục trong cơ thể, cứ tiếp tục luyện thì nó sẽ mất đi, tuyệt nhiên không có biến chứng.
II. ĐINH TỰ BỘ:
Đứng thẳng, thả chân mặt ra phía trước nửa bước, gót chân chạm đất, mũi bàn chân hơi nhấc lên, gối trái trùng xuống, trọng tâm dồn về chân trái.
Thân trên ngay thẳng, mông không được chổng lên, ngực ngậm lưng công, đầu như đội một vật, vĩ lưng trung chính. Mắt nhìn bàn tay ở phía trước.
Hai cánh tay đưa ra phía trước, trỏ hơi cong, các chưởng tâm xoanh vào nhau, các ngón tay hướng tới trước; tay mặt đưa tới xa hơn tay trái một chút, bàn tay trái ở ngang hướng với trỏ mặt.
Vai chìm, trỏ hướng xuống đất. Thực hiện “tam hợp”: vai với hông hợp, trỏ với gối hợp, cổ tay với bàn chân hợp.
Toàn thân trên nhẹ nhàng, phần dưới vũng chắc (thượng thư hạ thực) “trên 3 dưới 7” .
Về hô hấp thì lúc hít vào khí thấm vào cột sống, lúc thở ra khí thấm đan điền, tức là áp dụng lối thở nghịch.
Về tư tưởng, cũng làm như phần “mã bộ” ở trên.
Thời gian luyện tập tùy theo sức của từng người, mỗi chân đứng từ 5 phút trở lên. Luyện lâu ngày sẽ thấy ý khí trong người, nội kình toàn thân và công lực eo đùi đều sung mãn.
Thức này bao hàm đủ “tiền tiến hậu thoát”, “tả cố hữu phán và trung định”, gồm đủ cả công lẫn thủ, đúng là một thức trọng yếu trong luyện võ vậy. Các vị tiền bối rất coi trọng nó, không ngày nào là không luyện tập.
III. ĐỘC LẬP BỘ:
Trong quyền thuật, đòn đá bằng gót chân mạnh bạo hơn đòn đá bằng mũi bàn chân hay cạnh bàn chân. Nhưng nếu không luyện tập thì khi phải tung đòn chân đá địch thì chân đá chưa nhấc lên mà chân kia đã không vững rồi. Địch chưa trúng đòn mà ta đã té rồi. Do đó, trước khi tập cước pháp, phải luyện đứng một chân trước đã.
Đứng thẳng, co chân phải lên, gối cong, các ngón chân chỉ xuống, chân trái hơi trùng xuống.
Dựng đứng cẳng tay phải lên, các ngón tay chỉ lên trên, chưởng tâm hướng qua bên trái; cánh tay trái buông xuôi cạnh đùi trái.
Cột sống thằng, ngực ngậm, lưng căng, đầu như bị treo, mắt nhìn bàn tay phải ở trước mặt.
Thượng hư hạ thực, trầm vai buông trỏ, toàn trọng lượng đặt lên chân trái. Đây là thức “Kim Kê độc lập” của bài quyền, gồm có tả thức và hữu thức.
Về hô hấp, khi hít vào thì trầm khí đan điền, khi thở ra thì vận khí xuống huyệt dũng tuyền. Đây là lối thở bụng.
Phần điều tâm cũng giống như phần I.
Thời gian luyện tập tùy sức từng người, mỗi chân từ 5 phút trở lên. Khi đứng vững rồi thì tập lim dim mắt, rồi nhắm mắt hẳn lại. Lúc nhắm mắt lại mà không ngã thì coi như đã đạt phần cơ bản.