Đông Y
Khát vọng “nhân lên nghìn việc tốt”
|
Tấm gương người thầy
Mở Y Võ với tâm nguyện kết hợp võ học với y học cổ truyền để trị bệnh cứu người, Võ sư Nguyễn Khắc Chương đã cứu giúp được rất nhiều người bệnh trọng thoát khỏi "cửa tử”. Có một bệnh nhân người nước ngoài được Võ sư Chương trị bệnh trong 6 tháng, biết Võ sư không đặt chuyện tiền bạc đối với người bệnh đã hỏi "Thầy làm sao để có tiền mà giúp đỡ những bệnh nhân nghèo?” Võ sư Chương trả lời: "Người khác thì kiếm tiền bằng mọi cách, còn thầy kiếm tiền bằng khả năng của mình, cầm những đồng tiền đương nhiên được hưởng cộng với số tiền của những người hảo tâm rồi mang đi giúp đỡ người khác... Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và phù hợp với khả năng của mình thôi. 100 người khác thấy mình làm như vậy thì họ cũng làm theo và điều đó đồng nghĩa với việc 100 người khác được cứu giúp, thế là quá tốt.”
Là Giám đốc của Y Võ Thiên Phúc, nhưng Võ sư Chương không nề hà bất cứ việc gì, dù là khó khăn, nặng nhọc hay việc dọn vệ sinh. Bản thân ông từng đích thân dọn phân, lau rửa cho một người già mắc bệnh mất tự chủ. Con trai ông thấy bố mình làm như vậy cũng xắn tay vào giúp đỡ. Ông tâm sự: "Không cho nhân viên lau dọn, mà mình tự tay làm những việc bẩn nhất để con thấy mà phải xắn tay vào làm, để nó biết gần gũi và biết giúp đỡ người khác. Mình muốn con mình hiểu rõ rằng không phải bố là Giám đốc thì nó nhìn người khác bằng nửa con mắt, mà phải thấy bố cũng làm cả những việc như tất cả mọi người vẫn làm thì mới giáo dục được con mình. Còn nếu cứ để con hưởng thụ cuộc sống sung sướng, no đủ mà không phải làm gì, nó sẽ không thấy được trách nhiệm với cuộc sống, không biết yêu thương, chia sẻ được với người khác. Ra đời nó sẽ trở thành con người ích kỉ, vô lương tâm, không có trách nhiệm.”
Trên cương vị người thầy, Võ sư Nguyễn Khắc Chương cho rằng: "Bản thân người thầy phải có cốt cách đúng, phải là tấm gương cho người khác nhìn vào, dạy học trò tốt để những đứa trẻ có hành trang bước vào đời đúng với chuẩn mực đạo đức con người. Nếu tôi cứu giúp một cụ già nghèo khổ bệnh tật, 10 học trò của tôi nhìn thấy, 10 học trò đó sẽ học làm theo thầy. Việc làm chỉ có một nhưng nó tác động đến nhân sinh quan của 10 đứa trẻ, làm chúng thay đổi tâm tính, hướng thiện. Những đứa trẻ ấy là chủ nhân tương lai của đất nước và nếu chúng mang hành trang học được từ lòng nhân ái vào đời, tất yếu cuộc sống này sẽ có thêm nhiều điều tốt đẹp; nhưng nếu người thầy chỉ vì thấy cụ già nghèo khổ không tiền bạc mà bỏ mặc không cứu giúp, 10 học trò sẽ học theo cách đối xử tàn nhẫn, vô lương tâm và mang hành trang đó vào cuộc sống thì sẽ có thêm nhiều bi kịch trong cuộc đời này... Tôi trao cho học trò hành trang, cho cách sống, cách ứng xử, cách nghĩ, cách làm, trách nhiệm đối với gia đình, toàn thể với xã hội, với đất nước... phải hiểu rõ điều tốt đẹp mà thực hành và nhân rộng nó lên. Người thầy tốt sẽ là một tấm gương tốt cho hàng trăm, hàng ngàn người, hàng chục thế hệ học trò, là điều có ích cho xã hội.”.
Niềm tự hào của người Việt
Từng là cử nhân của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, từng là công chức có cuộc sống an nhàn nhưng Võ sư Nguyễn Khắc Chương lại chọn lối đi cho riêng mình là mở Võ Y. Ông bảo: "Con người khi sinh ra được tạo hóa ban cho khả năng đặc biệt riêng, có căn duyên riêng. Quan trọng nhất là tôi làm được điều mình thích. Với tôi, luyện võ thuật để tu tâm đạo, rèn cá tính của mình, còn thông y lý để cứu đồng bào. Đồng bào ở đây không chỉ có người giàu mà chủ yếu là người nghèo, người cơ nhỡ, cứu trong phạm vi cho phép. Việc làm này như một bông hoa nhỏ tí ti, nhưng mong có một vạn bông hoa nhỏ thì xã hội sẽ có nhiều điểm sáng. Y võ này mở ra không nhằm mục đích kinh doanh hướng tới lợi ích cho riêng mình, mà kinh doanh với ước vọng giúp đỡ cộng đồng, mang ích lợi giúp đỡ cho xã hội. Những người dạy võ chân chính trang bị cho các cháu nhỏ - đặc biệt là các cháu lứa tuổi thanh thiếu niên - có một định hướng đúng đắn và là hành trang để các cháu bước vào đời cho vững vàng và đem lại cái tích cực cho cộng đồng và xã hội trong tương lai.”
Võ học và y học cổ truyền là vốn quí trong kho tàng văn hoá dân tộc Việt Nam. Y Võ Thiên Phúc đã có vài trăm môn sinh là người nước ngoài đến học võ và chữa bệnh. Võ sư Nguyễn Khắc Chương kể lại với niềm tự hào: "Họ đến đây và học được bản chất cao thượng của người Việt, lịch sử của người Việt. Y Võ Thiên Phúc góp một phần rất nhỏ bé trong việc truyền bá văn hóa của dân tộc, tôn vinh văn hóa dân tộc... để người nước ngoài hiểu thêm về con người Việt Nam. Nhiều môn sinh nước ngoài còn nói "người Việt Nam rất tuyệt vời và không thua kém bất cứ con người nào trên thế giới.”.
Hương Trần, Báo Đại Đoàn Kết